Hành trình đi tìm bài thuốc cai nghiện ma túy của một người nghiện
Từ thông tin của Viện Hóa học (trực thuộc Viện Khoa học - công nghệ Việt Nam), chúng tôi tìm về làng Thọ Lão, xã Thọ An, huyện Đan Phượng (Hà Nội) để gặp vị lương y hơn nửa đời người dấn thân tìm ra bài thuốc cai nghiện ma túy. “À, cụ lang Dẫn chuyên trị ma túy ấy à, đi thêm độ 4 cây số nữa, nhìn bên trái thấy căn nhà xưa, cạnh bên có phòng mạch là nhà ông ấy đấy” - một chị nông dân đang cấy lúa bên vệ đường tận tình chỉ dẫn chúng tôi.
Chuyện bây giờ mới kể
Đã bước sang hàng thất thập nhưng lương y Trần Khuông Dẫn vẫn còn rất phương phi. Sau khi cẩn thận xem thẻ nhà báo vì “e ngại có người giả danh tìm hiểu bài thuốc, rồi về tự sử dụng không đúng cách rất nguy hại đến tính mạng”, ông Dẫn chậm rãi kể lại hành trình đến với nghề thuốc của mình. “Từ khi biết đọc, biết viết tôi đã được bố và các anh, vốn là những lương y nổi tiếng của làng Thọ Lão, truyền đạt những kiến thức quý báu cả đời tích lũy được. Ai cũng kỳ vọng lớn lên tôi sẽ kế tục truyền thống của gia đình” - lương y Dẫn bắt đầu câu chuyện. Nhưng thật bất ngờ, chàng thanh niên Dẫn lại thích công việc liên quan tới kỹ thuật nên quyết định thi vào ngành công nghiệp nhẹ tại một đại học ở Hà Nội. Ra trường, ông được phân công đi làm tư vấn, thiết kế, xây dựng đồng muối tại các tỉnh miền Trung.
Sau gần mười năm gắn bó với nghề, kỹ sư Dẫn nhận ra đâu là niềm đam mê thật sự của mình. Vậy là ông bỏ ngang công việc, quay về nhà tiếp tục “tầm sư”, nâng cao tay nghề để trở thành thầy thuốc thực thụ. Sau ngày giải phóng miền Nam, giữa lúc công việc đang thuận buồm xuôi gió tại quê nhà, ông Dẫn lại quyết định làm cuộc đột phá mới: vào Sài Gòn lập nghiệp, góp vốn cùng một người bạn mở tiệm “thuốc sống” (thuốc chưa qua sơ chế) tại đường Triệu Quang Phục (Q.5, TP.HCM).
Hồi ấy nhiều bệnh nhân có thói quen tìm đến các phòng thừa kế chẩn trị y học cổ truyền để bắt mạch, hốt thuốc về sắc uống, nhờ đó tiệm của ông phất lên nhanh chóng. Cách tuần, tiền lời đủ cho ông sắm một, hai chỉ vàng. Sống xa gia đình, tiền trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh, ông đã có những phút giây lỡ lầm: nghiện hút thuốc phiện. “Để thoát khỏi cạm bẫy của nàng tiên nâu, tôi rời bỏ cửa hàng thuốc sau hơn năm năm gầy dựng, ngược ra các tỉnh vùng núi phía Bắc, nơi trước đây tôi nghe đồn có nhiều loại cây lá “khắc” với thuốc phiện” - ông Dẫn nhớ lại.
Sau nhiều ngày rong ruổi, ông dừng lại nhà một người Mông cách thị trấn Mộc Châu, Sơn La độ chục cây số, xin “cùng ăn, cùng ở, cùng... hút” với gia chủ để dễ tiếp cận, tìm hiểu nguyên nhân nghiện và cách cai thuốc ở người dân tộc. Tại nhà người Mông này, ông Dẫn phát hiện một điều đặc biệt: tới mùa thu hoạch thuốc phiện (cuối tháng 12 âm lịch), nhiều thành viên trong gia đình đều nghiện hút, nhưng qua mùa thu hoạch thì đa số cũng bỏ thuốc.
Tìm hiểu kỹ ông Dẫn mới vỡ lẽ: mọi người bỏ được thuốc là nhờ hằng ngày lên rừng chặt cành, hái lá một số loại cây về nấu nước uống như người ta uống trà. Vậy là ông lần dò hỏi tên từng loại cây, cách thức sử dụng. Ở nhà người Mông được hơn hai tuần, ông Dẫn lại khăn gói sang các bản Ba Phách, Thông Cuông, Nà Kiển, Loóng Xá lân cận, tiếp tục tìm hiểu kinh nghiệm cai thuốc của người dân. Những bài thuốc khác nhau được ông tỉ mỉ ghi chép trong cuốn sổ tay luôn mang theo bên mình.
“Cái khó là định danh cây thuốc, vì cùng tên nhưng lại có nhiều loại khác nhau. Và quan trọng hơn là sử dụng liều lượng từng loại cho phù hợp. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng vì nếu dùng liều thấp thì không thu được kết quả, còn liều cao quá thì người nghiện sẽ bị vật vã kèm theo nhiều triệu chứng phụ có thể nguy hiểm tới tính mạng” - ông Dẫn nhấn mạnh.
Trên nền tảng kiến thức về đông y gia truyền, ông đã tổng hợp, loại bỏ những cây có cùng dược tính, chế ra những bài thuốc cai nghiện với liều lượng khác nhau và thực nghiệm trên chính mình. Sau những chuyến đi về liên tục các tỉnh vùng cao, rồi thử đi thử lại hàng chục lần, cuối cùng ông đã bào chế được bài thuốc mang tên “Đại Dương TKD” (TKD là viết tắt tên ông) dưới dạng sirô từ hơn chục loại cây thuốc của núi rừng, như phòng đẳng sâm, mạch môn, cam thảo...
Hiệu ứng lan xa
Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu. Từ việc sưu tầm, bào chế ra bài thuốc cắt cơn nghiện ma túy theo phương thức “gia truyền” đến việc chứng minh tính hiệu quả bằng những phân tích, thực nghiệm khoa học là cả một hành trình dài.
Cuối thập niên 1980, ông Dẫn mang bài thuốc đi “tiếp thị” tại các cơ sở cai nghiện. Cánh cửa từ cơ quan chủ quản cao nhất đã mở ra vào năm 1990, khi Bộ Y tế chấp thuận đưa bài thuốc của ông vào thử nghiệm lâm sàng tại một trung tâm cai nghiện do Sở Lao động - thương binh - xã hội TP Hà Nội quản lý. Sau thử nghiệm, hội đồng khoa học kỹ thuật do GS Nguyễn Văn Đàn, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, làm chủ tịch đã kết luận: “Trên 33 người nghiện thuốc phiện được thử nghiệm, kết quả bước đầu cho thấy thuốc có tác dụng cắt cơn nghiện, chưa thấy phản ứng phụ đáng kể”.
Từ kết quả trên, GS.TS Phạm Song, bộ trưởng Bộ Y tế lúc ấy (1991), đã có văn bản nêu rõ: “Cho phép dùng thuốc giải độc thuốc phiện TKD của ông Trần Khuông Dẫn ở các cơ sở cai nghiện do Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo theo một quy trình thống nhất có theo dõi kết quả”.
Sau này, bài thuốc được chuyển giao cho Viện Hóa học để chuẩn hóa, cải tiến và xác lập tư cách pháp nhân nhằm hướng đến hợp tác nghiên cứu với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước. Năm 1995, từ thông tin ban đầu về hiệu quả bài thuốc, Trường đại học John Hopkins (Mỹ) đã thử nghiệm và mời nhóm tác giả sang giới thiệu quá trình sáng chế. Một năm sau, bài thuốc được Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP tài trợ một phần kinh phí để tiếp tục triển khai, hoàn thiện.
“Khi công hiệu bài thuốc được lan truyền trên mạng, nhiều người nghiện mang quốc tịch Ý, Thụy Sĩ, Ghana, Mỹ... đã sang Việt Nam tìm đến nhóm tác giả bài thuốc, nài nỉ được hỗ trợ cai nghiện vì ở nước họ đã sử dụng hết mọi cách mà vẫn không chữa trị được. Thật may mắn là các trường hợp này khi sang Việt Nam đều cai nghiện thành công, trong đó có cả con trai một chủ mỏ đá quý nổi tiếng ở Ghana - GS.TSKH Trần Văn Sung, nguyên viện trưởng Viện Hóa học, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cải tiến bài thuốc, nhớ lại.
Chuẩn bị tham gia thị trường
TS.BS Nguyễn Mạnh Hùng, trưởng khoa cai nghiện Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, cho biết bệnh viện đã triển khai đề tài nghiên cứu, đánh giá hiệu lực và tính an toàn của bài thuốc Heantos 4 trong hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện ma túy nhóm opiats (opiats là những chất có nguồn gốc thuốc phiện và những chất có đặc điểm dược lý tương tự thuốc phiện, bao gồm: thuốc phiện, morph-in, hero-in, code-in, methadon, acetyl...). Đối tượng tham gia thử nghiệm gồm 255 bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 (150 người), Bệnh viện Tâm thần Bắc Ninh (51 người) và Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 1 Hà Nội (54 người).
Kết quả điều trị chung cho thấy có 31,74% đạt loại tốt, 57,83% khá, còn lại ở mức trung bình. Đề tài đã được hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Bộ Y tế nghiệm thu với kết luận: thuốc Heantos 4 có tác dụng hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy nhóm opiats và không có tác dụng không mong muốn trên lâm sàng. Tuy nhiên, về lâu dài hội đồng cũng khuyến nghị sau khi thuốc được cấp phép lưu hành, nên tiếp tục theo dõi kết quả điều trị và tác dụng phụ không mong muốn của thuốc trên số lượng bệnh nhân lớn hơn.
TS.BS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các vị thuốc trong Heantos 4 có thể chia làm ba nhóm: nhóm các vị thuốc bổ, nhóm an thần định trí và nhóm điều trị triệu chứng. Ông đánh giá: “Có thể thấy Heantos 4 đã tuân thủ lý luận cơ bản của đông y “phù chính, khu tà”: hỗ trợ người nghiện vượt qua hội chứng cai bằng tác dụng hỗ trợ thể trạng chung, ngăn chặn sự phát sinh và phát triển của một số triệu chứng cai cơ bản, đặc biệt hỗ trợ người nghiện duy trì trạng thái tâm lý tích cực, theo đuổi việc điều trị cai nghiện”.
Hiện Viện Hóa học là cơ quan quản lý bài thuốc Heantos 4, trong khi bằng độc quyền sáng chế được Cục Sở hữu công nghiệp cấp cho ông Trần Khuông Dẫn cùng ba người đồng sở hữu khác gồm các ông Trần Văn Sung, Nguyễn Bá Chính và Nguyễn Quang, những người đã tham gia nghiên cứu và hỗ trợ ông Dẫn hoàn thiện bài thuốc. “Hiện tại các thủ tục gần như đã hoàn tất, chúng tôi cố gắng trong vài tháng tới sẽ đưa Heantos 4 ra thị trường” - GS.TSKH Trần Văn Sung nói.
TẤN ĐỨC
Trao đổi với TTCT, phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ, đào tạo Bộ Y tế Nguyễn Ngô Quang cho hay đề tài nghiên cứu sản xuất thuốc Heantos đã trải qua các giai đoạn thử thuốc trên lâm sàng đúng theo quy định 01 trước đây và 03 hiện nay. Ông Quang nói: “Chúng tôi đánh giá đây là một nghiên cứu bài bản, kết quả cắt cơn nghiện các chất nhóm opiats trên Heantos 4 được hội đồng nghiệm thu của Bộ Y tế đánh giá cao”.
Cũng theo ông Quang, hiện Viện Hóa học và các đơn vị, cá nhân tham gia nghiên cứu, sản xuất thuốc Heantos đã hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký thuốc, chờ Cục Quản lý dược cấp đăng ký lưu hành. Giải thích vì sao quá trình nghiên cứu Heantos kéo dài, trong khi các loại thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện phát triển cùng thời như Bông Sen, Cedemex đã được sản xuất và lưu hành chính thức từ lâu, ông Quang cho biết trong quá trình triển khai, nhóm nghiên cứu Heantos đã có những bổ sung, nâng cấp về thành phần, theo tiến độ từ Heantos 1 đến nay là Heantos 4, với hiệu quả cắt cơn tốt và an toàn hơn.
Ông Quang cho biết thêm thời điểm Bông Sen và Cedemex được cấp đăng ký lưu hành, các quy định về thử thuốc trên lâm sàng chưa hoàn chỉnh như hiện nay nên hai thuốc này chỉ được phép lưu hành tại các trung tâm cai nghiện, cơ sở y tế, nơi có sự theo dõi của cán bộ y tế. Hiện Cục Khoa học, công nghệ, đào tạo đang chuẩn bị xem xét hồ sơ bổ sung, bước chuẩn bị cho việc nhà sản xuất Bông Sen và Cedemex lập hồ sơ mới gửi Cục Quản lý dược đề xuất cho phép lưu hành rộng rãi trên thị trường, tương tự đề xuất của Heantos.
L.ANH